Chuyển đổi số 2024: 5 xu hướng công nghệ định hình tương lai

top-5-xu-huong-cong-nghe-dinh-hinh-tuong-lai-cua-chuyen-doi-so

Trong những năm gần đây, thế giới đã và đang trải qua một thời kỳ phát triển công nghệ vô cùng mạnh mẽ, với những đổi mới kỹ thuật số, không những định hình lại các ngành công nghiệp và cấu trúc xã hội mà còn làm thay đổi nhiều lĩnh vực trong đời sống. Năm 2024 sẽ là một năm đầy hứng khởi với những trào lưu công nghệ tiên tiến, top 5 xu hướng công nghệ sau đây sẽ biến năm mới tới đây trở thành một năm bứt phá, hãy cùng NLT Group nhập cuộc đường đua chuyển đổi số ngay thôi!

Bức tranh chuyển đổi số sôi động tại Việt Nam trong năm 2023

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tác động mạnh mẽ đến toàn cầu, buộc Chính phủ, doanh nghiệp các nước trên thế giới phải đối mặt với những thách thức lớn, đòi hỏi những sự thay đổi để phù hợp trước sự tiến bộ của công nghệ, khoa học kỹ thuật.

Theo Báo cáo về kết quả chuyển đổi số quốc gia năm 2023, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết: Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới xếp hạng chỉ số Đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2023 đứng thứ 46, tăng 2 bậc so với năm 2022, liên tiếp duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu từ năm 2018 đến nay. 

Năm 2022 – 2023, Báo cáo thường niên kinh tế số e-Connomy SEA do Google, Temasek, Bain & Company công bố, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á và dự báo sẽ tiếp tục giữ vị trí này đến năm 2025. Tốc độ tăng trưởng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực của Việt Nam so với 2022 đạt được kết quả ấn tượng: du lịch trực tuyến tăng 82%, thanh toán số tăng 19%, đưa nước ta trở thành quốc gia tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán số tại khu vực Đông Nam Á, thương mại điện tử tăng 11%…

Theo Gartner, công ty nghiên cứu và tư vấn về công nghệ thông tin hàng đầu thế giới, các dự án chuyển đổi số đang là ưu tiên của rất nhiều doanh nghiệp trên thị trường. Cụ thể, có tới 87% nhà lãnh đạo đánh giá số hoá quy trình đang là ưu tiên số 1, 40% các tổ chức đã và đang triển khai rộng rãi các hoạt động nhằm số hoá quy trình kinh doanh, quy trình quản trị và có tới 91% lãnh đạo doanh nghiệp đã bắt đầu hoạt động số hoá trong từng phạm vi nhất định.

Thống kê của công ty nghiên cứu thị trường Market Research Future cho thấy vào năm 2018, mức đầu tư cho chuyển đổi số toàn cầu đạt 205,65 tỷ USD. Ước tính tới năm 2025, con số này sẽ đạt khoảng 817,05 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng mức đầu tư trung bình hàng năm đạt tới 18,87%.

bieu-do-dau-tu-chuyen-doi-so-cua-cac-doanh-nghiep-tai-viet-nam
Tăng trưởng mức đầu tư cho các hoạt động chuyển đổi số (Market Research Future 2018)

Mức tăng trưởng ấn tượng này gấp nhiều lần so với mức tăng trưởng GDP thế giới, thể hiện mối quan tâm và sự đầu tư rất lớn từ các doanh nghiệp và các tổ chức cho các dự án liên quan tới chuyển đổi số cho tới năm 2025.

Từ đó cho thấy, các doanh nghiệp đang dần nhận thức được rõ ràng hơn về tầm quan trọng của chuyển đổi số cũng như mong muốn tăng tốc và bứt phá tạo nên cách biệt so với khu vực và trên thế giới. Lợi thế to lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam chính là sự hỗ trợ của Chính phủ đối với các doanh nghiệp trong việc ứng dụng CNTT để thúc đẩy tăng trưởng và cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Chủ trương của quốc gia đẩy mạnh số hoá các ngành kinh tế 2024 

Trong cuộc họp thứ 7 của Ủy ban, tổng kết hoạt động năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, ngày 28/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu rõ chủ đề chuyển đổi số năm 2024 là: phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số – Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững, tập trung vào 4 ưu tiên chính: 

  • Ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, đây là ngành công nghiệp chủ đạo, cung cấp công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, giải pháp, nội dung số cho phát triển kinh tế số
  • Ưu tiên số hóa các ngành kinh tế gắn với tăng năng suất lao động xã hội, sản lượng, quản lý và đổi mới sáng tạo, đây là mặt trận chính cho sự phát triển của nền kinh tế số, mở ra không gian phát triển mới
  • Ưu tiên quản trị số đảm bảo cho sự phát triển nhanh chóng và lành mạnh của nền kinh tế số
  • Ưu tiên phát triển dữ liệu số là yếu tố sản xuất then chốt trong sự phát triển của nền kinh tế số

Cụ thể, ngành nông nghiệp tập trung vào cải thiện năng suất, hiệu quả sản xuất, tối ưu hóa quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc, giảm phát thải; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tập trung vào số hóa, tự động hóa và quản trị số hướng tới áp dụng mô hình nhà máy thông minh nhằm nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh sản phẩm, giảm phát thải… từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngành điện, năng lượng tập trung vào quản trị số, như hệ thống lưới điện thông minh, an ninh an toàn hệ thống điện, đối với nhà máy nhiệt điện phải giảm nhiên liệu đốt, giảm phát thải.

Ngành xây dựng tập trung vào tăng năng suất (tự động hóa quy trình xây dựng); quản lý dự án hiệu quả hơn (theo dõi tiến độ công việc, lên kế hoạch và quản lý nguồn lực một cách hiệu quả hơn); tối ưu hóa thiết kế (mô phỏng 3D và hệ thống quản lý thông tin xây dựng); tăng tính linh hoạt; giảm thất thoát và lãng phí; cải thiện an toàn lao động; quản lý tài chính hiệu quả…

Lĩnh vực phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung vào đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và quản trị số để thay đổi quy trình sản xuất, kinh doanh và bảo vệ môi trường nhằm nâng cao hiệu suất, hiệu quả hoạt động, giảm phát thải, hình thành khu công nghiệp xanh, sinh thái.

Top 5 xu hướng công nghệ định hình tương lai của chuyển đổi số 2024

Năm 2024 dự báo đánh dấu bước tiến quan trọng trong sự phát triển của công nghệ với những triển vọng hứa hẹn nhiều đột phá hơn nữa.

Tốc độ đổi mới công nghệ chưa hề chậm lại và năm 2024 được trông đợi sẽ là năm tiếp tục có nhiều đột phá hơn nữa. Điều khiến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trở nên khác biệt so với các cuộc cách mạng công nghiệp trước kia chính là sự hội tụ và tương tác giữa nhiều xu hướng công nghệ. Hãy cùng NLT Group đón đầu những xu hướng này ngay thôi!

AI hiện diện trong mọi mặt của cuộc sống

Trong năm qua, nhiều mô hình AI tương tự ChatGPT đã ra đời với sự tham gia của các ông lớn công nghệ như Google, Microsoft, Alibaba. Sang năm 2024, các ứng dụng của chúng sẽ tràn ngập, giúp người dùng dễ dàng tiếp cận.

“AI tạo sinh đã khơi dậy những ý tưởng sáng tạo về cách nó hoạt động và biến đổi thế giới trong 2023”, John Roese, Giám đốc công nghệ toàn cầu của Dell Technologies, nói trong một sự kiện tháng 11. “Bước sang 2024, chúng ta sẽ chứng kiến làn sóng các dự án AI tạo sinh đạt đến mức độ trưởng thành, bộc lộ những khía cạnh quan trọng và hữu ích vốn chưa được hiểu rõ trong giai đoạn đầu”. Từ đó, AI sẽ được ứng dụng hiệu quả trong mọi lĩnh vực, thay vì chỉ mang tính thăm dò và thử nghiệm như trước.

Công ty tư vấn toàn cầu Capgemini (Pháp) cũng chia sẻ, AI tạo sinh sẽ có các mô hình cỡ nhỏ, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp nhỏ và người dùng cá nhân. Những mô hình này không cần quá nhiều cỗ máy xử lý lớn nhưng vẫn đạt hiệu quả cao. 

Đọc thêm: IoT là gì? Cách nó gắn liền với cách mạng công nghệ 4.0

Sự tiến bộ của công nghệ lượng tử

Điện toán lượng tử được các chuyên gia dự báo là một xu hướng công nghệ nổi bật trong năm 2024. Dựa trên nguyên tắc của cơ học lượng tử để xử lý thông tin phức tạp, điện toán lượng tử sẽ tính toán, cho ra kết quả trong thời gian ngắn hơn rất nhiều so với các phương pháp khác. Điều này giúp máy tính lượng tử ứng dụng vào trong nhiều lĩnh vực như thúc đẩy việc phát triển học máy (ML), cung cấp mô phỏng liền mạch, cải thiện hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D)…

Công nghệ lượng tử đã có bước tiến mới vào năm ngoái, như Intel chế tạo thành công bộ xử lý lượng tử Tunnel Falls, hay Microsoft thông báo trong quá trình xây dựng siêu máy tính lượng tử đầu tiên. IBM, Google và một số công ty công nghệ Trung Quốc cũng đã tham gia lĩnh vực này từ nhiều năm trước. Công nghệ lượng tử có thể là chìa khóa giúp chúng ta giải quyết những vấn đề lớn nhất về đô thị thông minh mà quốc gia đang hướng tới. 

cong-nghe-vi-mach-dien-tu-xu-huong-cong-nghe-2024
Sự tiến bộ của công nghệ lượng tử đánh dấu bước phát triển vượt bật của ngành công nghệ máy tính 

An ninh mạng – từ ưu tiên sang tuyệt đối cần thiết

Kris Lovejoy, kỹ sư trưởng của Security & Resiliency (Mỹ), dự đoán trong năm 2024, các cuộc tấn công mạng sẽ gia tăng về số lượng và mức độ tinh vi. Do đó, các doanh nghiệp lẫn người dùng cuối sẽ phải đầu tư nhiều hơn cho hệ thống và thiết bị của mình nhằm ngăn chặn hacker. Lúc này, các giải pháp bảo mật không chỉ là sự ưu tiên, mà là điều cần phải có để bảo vệ tài sản và hệ thống.

Theo Cybersecurity Ventures, tổn thất do tội phạm mạng gây ra ước tính lên đến 10,5 nghìn tỷ USD năm 2025, tăng từ mức 3 nghìn tỷ USD năm 2015. Còn theo báo cáo của Accenture, chi phí để khắc phục một sự cố do tội phạm mạng gây ra trung bình là 13 triệu USD năm 2021 và sẽ tăng thêm 15% vào năm 2024.

Các mối đe dọa trên mạng đang trở nên phức tạp hơn và sự cạnh tranh để đưa ra các giải pháp mới tận dụng các công nghệ đột phá như AI ra thị trường ngày càng gay gắt. Điều này đảm bảo rằng khả năng phục hồi không gian mạng sẽ trở thành xu hướng ngày càng nổi bật trong suốt năm 2024 trên toàn bộ lĩnh vực công nghệ tiêu dùng và kinh doanh.

Mạng 5G phủ sóng đại trà

Công nghệ 5G bắt đầu được triển khai thương mại cách đây bốn năm, nhưng ở nhiều quốc gia, 5G vẫn chỉ đang trong giai đoạn thử nghiệm.

Theo giới chuyên gia, phải tới 2024, 5G mới được triển khai rộng hơn, trở thành chuẩn kết nối chính cho người dùng. Điều này mở ra cánh cửa rộng lớn cho các ứng dụng Internet of Things, nơi hàng tỷ thiết bị sẽ giao tiếp với nhau tốc độ cao, thúc đẩy sự phát triển nở rộ của nhà thông minh, xe tự lái.

mang-5g-network-xu-huong-cong-nghe-2024
Mạng 5G phủ sóng tại các đô thị khiến nền tảng IoT càng trở nên rõ nét hơn trong các lĩnh vực ngành

Nền tảng đám mây công nghiệp Cloud đồng nhất 

Gartner dự báo đến năm 2027, hơn 70% doanh nghiệp sẽ áp dụng nền tảng đám mây công nghiệp (Industry Cloud Platform – ICP) để đẩy nhanh các dự án kinh doanh của họ, tăng đáng kể so với mức dưới 15% trong năm nay. ICP là giải pháp đám mây có thể tùy chỉnh được thiết kế cho các ngành cụ thể và có thể được điều chỉnh thêm để đáp ứng nhu cầu của từng tổ chức, doanh nghiệp.

Trước xu thế phát triển hạ tầng số, đón chờ sự phát triển năng động trong năm 2024 mời gọi các doanh nghiệp đón nhận sự thay đổi bằng cách nắm bắt các cơ hội trong bối cảnh điện toán đám mây và CNTT đang phát triển. 

Bức tranh chuyển đổi số ở Việt Nam cho thấy đây không phải xu hướng mà là tầm nhìn chiến lược dài hạn của mọi tổ chức, doanh nghiệp muốn nâng cao khả năng cạnh tranh trong vòng 5 – 10 năm tới. Hy vọng bài viết trên của NLT Group sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn khái quát về top 5 công nghệ nổi bật định hình tương lai của thế giới và xây dựng lộ trình chuyển đổi số phù hợp cho doanh nghiệp của mình để bứt phá trong năm trong năm 2024 tới đây. 

Kết luận

Năm 2024 sẽ chứng kiến sự bùng nổ của các xu hướng công nghệ tiên tiến như AI, công nghệ lượng tử, an ninh mạng, 5G và Cloud. Đây là cơ hội lớn nhưng cũng đồng thời là thách thức cho các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số. Để đón đầu làn sóng mới này, doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức, xây dựng chiến lược phù hợp nhằm khai thác hiệu quả các công nghệ mới, qua đó giữ vững sức cạnh tranh và phát triển bền vững trong tương lai.

NLT Group tổng hợp 

>> Có thể bạn quan tâm: